Liên kết khách hàng
DQ
DQ
DQ
Ống Thép Hòa PHát
Hotline
DQ
Quảng cáo

Chi nhánh

Ngày thêm: 09:53:10 02-04-2015

Không ở đâu, người đi thuê ruộng cày đã được tận hưởng hết hoa lợi lại được chủ cho thêm công để những cánh đồng màu mỡ đỡ bị bỏ hoang như ở Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội. Cũng chưa thấy ở làng nghề nào như phố, nhà cao cửa rộng, ôtô chật đường, mỗi ngày người bán hoa duy nhất của xã thu nhập đến tận 2 triệu đồng vì nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày một cao. Một làng nghề mang bóng dáng… khu công nghiệp

 

Đất xưa nghề cũ

Cũng như những làng nghề khác, nghề kim khí ở Thanh Thuỳ khởi thuỷ bằng nghề làm đinh trống, đinh thuyền. Những năm kháng chiến, dân Thanh Thuỳ chuyển sang đúc vỏ gang cho lựu đạn, móng trâu, móng ngựa và tất cả những gì có liên quan đến kim loại, phục vụ chiến đấu và sản xuất của nhân dân.

Rồi những năm tháng khó khăn, trong cơ chế bao cấp, dân Thanh Thuỳ cũng muốn bung ra, ganh đua làm ăn với thiên hạ, nhưng ngặt nỗi cơ chế chưa cho phép.

Mãi đến những năm 84, 85 của thế kỷ trước, Nhà nước mở cửa cho dân làm ăn, người Thanh Thuỳ mới bắt đầu nhập cuộc. Mở màn là làm đinh ốc theo nghề cũ, rồi mua thêm tôn, chế thêm những chi tiết máy cơ khí, dần dần cứ thế mà phát triển theo nhu cầu của thị trường.

Dân Thanh Thuỳ vốn mộc mạc, chân chất, bám nghề, bám luôn cả truyền thống quê hương nên làm ăn vẫn không có cái ma lanh, lợi dụng của dân buôn bán mà chỉ cốt lấy sự thật thà để cầu may. Chỉ thế thôi mà người khắp nơi kéo đến nơi đây làm ăn.

Trong ký ức của mỗi người dân nơi đây, những năm đầu mới bắt đầu gia nhập cơ chế mới, Thanh Thuỳ như một người “cùng đinh” của Thanh Oai, nghèo đói, học thấp, cả xã số người đi học trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay. ấy thế mà chỉ vài năm sau, Thanh Thuỳ lột xác…

 

Hiến tay để mưu sinh

Đó cũng là lúc Thanh Thuỳ bị đồn thổi nhiều nhất, khiến cả làng ai cũng xao động, không vững tâm làm ăn. Nào là làng hiến ngón tay, nào là làng có bảo hiểm y tế thì ngành y tế sẽ phá sản, nào là ăng ten chảo “made in Rùa Hạ” đi khắp đất nước, rồi nữa là làng ra đường gặp triệu phú…

Cánh báo chí đến Thanh Thuỳ đôi khi cũng không được nhân dân tiếp đón mặn mà, vì họ sợ bị lên phương tiện truyền thông, các cơ quan thuế lại có điều kiện “hỏi thăm”. Người quê vốn ít học, công ty thành lập đàng hoàng thật nhưng kiến thức pháp luật thì hạn chế lắm.

Thanh Thuỳ có 1.900 hộ, gần 7.000 nhân khẩu chia thành 6 thôn trên một diện tích đất tự nhiên khoảng 550 ha. 80% dân Thanh Thuỳ làm nghề kim khí, trong đó thôn lớn nhất là Rùa Hạ, mà mọi người vẫn gọi vui là “Khu công nghiệp Rùa Hạ”.

Thanh Thuỳ xưa được xây dựng bám theo dòng sông Nhuệ, nhưng theo thời gian, đến thời Pháp thuộc, người Tây đã nắn dòng để con sông Nhuệ không chảy qua đây để mùa khô không bị hạn và mùa mưa không bị lũ. Chính điều này đã để lại cho Thanh Thuỳ một mảnh đất màu mỡ, với nhiều tiềm năng để phát triển.

Giờ các thôn của Thanh Thuỳ đều bám vào con đường tỉnh lộ 427 để tiện bề làm ăn. Nghe anh Lý Duy Bình – Phó Chủ tịch xã kể về lai lịch, Thanh Thuỳ mang hàm ý nói về người con gái sống thanh cao mà thuỳ mị, hiền hậu.

Lại được đi trên con đường của xã, bên cạnh những cánh đồng lúa xanh mướt, hàng loạt những khu công nghiệp nhà xưởng được mọc lên hệt như những khu công nghiệp phố thị, chúng tôi vẫn bắt được cái cảm giác, sao mà yên ả và bình lặng đến thế.

Lần đầu tiên đến Thanh Thuỳ, đúng vào hôm trời nóng mà mất điện, các nhà xưởng dù mới 10h sáng, công nhân đã để ngực trần, ngồi hóng gió, tôi không tin đây là một “khu công nghiệp” nổi tiếng đất Thanh Oai.

Nhưng lần thứ hai về lại, dù đã 12h trưa, tiếng máy dập, máy cắt, tiếng búa, tiếng khoan chát chúa, rồi cả những tia lửa hàn vẫn phóng ra mạnh mẽ, trong những ánh mắt cười vui của những người công nhân cần cù.

 

Theo số liệu cũ, “Khu công nghiệp Rùa Hạ” có đến 26 công ty, còn sau ngày 1-8 thì UBND xã cũng chưa có con số thống kê cụ thể. Các công ty này chuyên gia công, sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy cho các công ty lớn như Honda, VMEP, đồ gia dụng của Hoà Phát, Xuân Hoà, các bộ khung ăng ten chảo cho một số công ty của Trung Quốc theo đơn đặt hàng.

Số lượng công ty không nói lên điều gì vì ở đây, nhà nào cũng có cơ sở sản xuất, từ nhà đồng chí Chủ tịch xã với 10 công nhân đến chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kiêm Trưởng thôn Rùa Hạ với dăm bảy công nhân.

Đào tạo nghề ở đây khá đơn giản, chỉ 1 tuần là ai cũng có thể trở thành công nhân thành thục. Chính thế mới chủ quan, nên chuyện 70% hộ gia đình làm nghề bị tai nạn lao động ở tay đã không trở thành chuyện thương đau mà thành chuyện tầm phào “ai bảo không để ý”.

Những đôi bàn tay làm ra nhiều sản phẩm, nhưng cũng thiếu đi phần đầy đặn, mất một hai đốt, bị chém cả bàn, rồi 1/4 bàn tay nhìn mãi cũng thấy quen.

Cũng may, chưa ai phải “tử nghiệp” nên vẫn bám được với nghề. Mà cũng lạ, như bị nghề ám, mới hôm qua còn bị máy phang cho sứt tay, thế mà chỉ điều trị qua loa, có khi chỉ lên y tế xã thôi, mai đã thấy đứng máy rồi.